Phương pháp điều trị Mộng

Mộng thịt trong mắt là một bệnh hay gặp ở các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm, thời lượng nắng cao, đặc biệt nơi có nhiều gió cát (như vùng biển). Phẫu thuật mộng thịt là phương pháp duy nhất điều trị dứt điểm mộng thịt hiện nay. 
Bệnh mộng thịt trong mắt 

Mộng thịt là sự phát triển của mô giống như sẹo của kết mạc ở rìa giác mạc. Nó thường xảy ra ở phần khe mi phía bên mũi của mắt, nhưng đôi khi cũng có thể xảy ra ở phần mắt phía bên tai.  

Nguyên nhân gây ra mộng thịt ở mắt 

Nguyên nhân gồm các yếu tố nội sinh và ngoại sinh: 

  • Yếu tố nội sinh: di truyền, khô mắt, viêm kết mạc mạn tính, thiếu vitamin A. 
  • Yếu tố ngoại sinh: môi trường, tiếp xúc nhiều với ánh nắng, gió bụi hoặc các chất dễ gây dị ứng như phấn hoa, lông động vật, khói thuốc… 
Một số biến chứng khi mắc mộng thịt trong mắt 
  • Viêm kết mạc: do mộng bị kích thích từng đợt gây viêm đỏ, đôi khi lan toả ra cả phần kết mạc lành 
  • Chảy nước mắt 
  • Hạn chế vận nhãn khi mộng to, đặc biệt khi có mộng ở cả hai góc mắt 
  • Loạn thị do mộng bám trên bề mắt giác mạc gây biến đổi độ cong giác mạc 
  • Khuyết thị trường do mộng bò vào trung tâm che một phần hoặc toàn bộ diện đồng tử 
  • Nang vùi biểu mô 
  • Có thể gây viêm loét giác mạc vùng đầu mộng 
Điều trị mộng thịt tại bệnh viện Hà Nội - Yên Bái

Phẫu thuật mộng thịt là một thủ thuật được thực hiện để loại bỏ các khối kết mạc khỏi mắt. Kết mạc là phần mô trong suốt bao phủ phần lòng trắng của mắt và bên trong mí mắt. Trong một số trường hợp, mộng thịt ít hoặc không có triệu chứng.  

Khi sự phát triển quá mức nghiêm trọng của mô kết mạc có thể bao phủ giác mạc và cản trở tầm nhìn của người bệnh thì phẫu thuật cắt mộng là phương pháp chủ yếu để điều trị.  

Các bước điều trị mộng thịt trong mắt: 
  • Bảo vệ mắt tránh ánh nắng mặt trời, bụi và gió (đeo kính râm, rửa mắt bằng nước muối sinh lý khi đi bụi về…). 
  • Làm giảm hiện tượng kích thích mắt bằng nước mắt nhân tạo, kháng sinh nhẹ, khi mộng gây kích thích nhiều có thể dùng corticoid nhưng chỉ dùng trong thời gian ngắn. 
  • Phẫu thuật cắt mộng: Trước đây các phương pháp mổ mộng đơn thuần có tỷ lệ tái phát khá cao (40 – 60%) nên khi mộng khá lớn gây giảm thị lực nhiều hoặc gây các biến chứng mới có chỉ định mổ. Ngày nay, hầu hết các bác sĩ chuyên khoa giác mạc thực hiện phẫu thuật mộng thịt bằng phương pháp ghép kết mạc tự thân để giảm nguy cơ tái phát. Các bác sỹ có thể chỉ định mổ cắt mộng từ các giai đoạn khá sớm để mang lại thẩm mỹ cho bệnh nhân. 

Phương pháp cắt mộng ghép kết mạc tự thân đang được áp dụng tại bệnh viện Hà Nội Yên Bái có tỉ lệ tái phát rất thấp so với phương pháp cũ cắt mộng đơn thuần (<5%). Tuy nhiên, sau phẫu thuật bệnh nhân cần được điều trị và chăm sóc mắt cẩn thận để có kết quả tốt và tránh bệnh tái phát. 

Share

Nội dung lên quan